Hương Kunkuns – Người đồng hành từ trái tim

Thấu hiểu bản thân – chữa lành tâm trí – Thiết kế cuộc đời đẳng cấp

Thẻ: Chăm sóc

Tản mạn 1

🍑 Có lẽ bây giờ bạn đang thực sự bế tắc, bạn có thể đang cảm thấy thất vọng với cuộc sống đổ vỡ và bật khóc vào giữa đêm; bạn có thể đã từng bị mỉa mai, bị từ chối, và không biết làm thế nào để bước tiếp. Những ngày tối tăm chắc chắn sẽ kết thúc, và mở ra cho bạn một tương lai tươi sáng tràn đầy hy vọng.

🍑 Hãy nhớ rằng: Áp lực đủ mạnh, con người mới có thể trưởng thành.

🍑 Hãy tận hưởng cuộc sống đang mở ra trước mắt bạn. Bạn có thể không đến được nơi mà bạn muốn, nhưng cuối cùng bạn sẽ chắc chắn đến được nơi mà bạn cần

🍑 Đừng ngần ngại nhận sự giúp đỡ từ ai đó.
Đừng ngần ngại yêu thêm một lần nữa.
Hãy tìm thấy động lực để cười mỗi ngày và làm cho người khác mỉm cười theo.
Hãy nhớ rằng bạn không cần nhiều người trong cuộc sống, mà chỉ cần một vài người thật sự quan trọng với bạn mà thôi.
Chấp nhận khi bạn sai và học hỏi từ nó. Luôn luôn nhìn lại và xem bạn đã trưởng thành được bao nhiêu, và tự hào về chính mình.
Cuối cùng, hãy cho đi nhiều hơn.

Hits: 1

Tôi Đã Có Những Ngày Tháng Tối Tăm Như Thế

Tôi đã có giai đoạn sống chung với trầm cảm. Có đôi khi nó rất nặng nề, có đôi khi nó nhẹ nhàng, đến lúc đôi khi tôi chẳng thể nhận ra mình đang mắc trầm cảm. Tôi bắt đầu có dấu hiệu đầu tiên từ khi ôn thi Đại học, nhưng chỉ diễn ra vài tháng rồi ẩn nấp trong tôi đến sau khi sinh con thì nó trỗi dậy dữ dội. Nếu tính từ lúc bắt đầu, đến khi tôi được chẩn đoán lâm sàng cũng đến 10 năm. Và sau đó là cả một chặng đường dài đấu tranh và vượt qua nó. Khi ý thức được mình bị bệnh, tôi chủ động tìm hiểu kiến thức về trầm cảm. Nó giống như màn sương mù dày đặc âm thầm cuốn lấy và ám ảnh cuộc sống của tôi từng ngày. Rất khó để tôi nhìn thấy được lối ra và nó che lấy tầm nhìn tôi về một tương lai tích cực. Bế tắc vô cùng.

Suốt nhiều năm tìm hiểu cách tự điều trị, tôi đã cố gắng rất nhiều để có thể hiểu được mình cảm thấy như thế nào khi trầm cảm trở lại và tôi đã học lấy cách chăm sóc bản thân tốt nhất khi mình bệnh.

Một thời gian tôi dùng thuốc, cũng có sự cải thiện mặc dù tác dụng phụ không ít. Tôi dần ổn định trở lại và hoà nhập cuộc sống. Nhưng … Mỗi khi tôi cảm nhận được trong lòng mình một thoáng buồn bã không lý do, hay khi tôi cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường thì đó là một sự cảnh báo sớm với tôi. Tôi lo lắng, sợ hãi khi nghĩ con quái vật đó sắp quay trở lại. Tôi càng hoảng loạn, nó càng đến nhanh. Tôi suy nghĩ miên man luẩn quẩn đến những tình huống tệ nhất. Tôi cảm thấy nguy hiểm đang rình rập. Đây là giai đoạn quan trọng. Và việc nó có quay lại không hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng của tôi. Tìm đến thuốc hay làm thế nào đây? Tôi phải lựa chọn. Và sau rất nhiều lần thoái chí, thì tôi cũng quyết định đối mặt với nó lần nữa. Hoá ra, nỗi sợ chỉ thực sự đáng sợ khi ta cứ cố tình né tránh nó. Tôi dừng lại và hít thở thật sâu. Cứ như thế 10 lần. Tôi nhớ lại bản thân mình mạnh mẽ như thế nào, trải nghiệm trong quá khứ ra sao. Tôi tự nói với mình trong gương: “Sợ hãi tái phát trầm cảm là điều bình thường, không có gì phải xấu hổ cả. Cảm thấy lo âu là điều tự nhiên. Mày là người sống sót. Hãy nhớ lại những gì  mà mày đã học được. Bất kể chuyện gì xảy ra sau này, nhớ rằng mày có thể giải quyết nó“.

Tôi nhận ra rằng tôi cần học cách cảm nhận chính mình, nhận ra được thời điểm nào tôi bắt đầu rơi xuống, đồng thời cần có phương án đỡ lấy bản thân trước khi chạm xuống đáy. Đây thực sự là một kỹ năng quan trọng. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của tôi là suy nghĩ thê thảm: Không ai hiểu mình cả. Ai cũng hạnh phúc hơn mình. Mình sẽ chẳng thể bao giờ hồi phục được. Nhưng có ai quan tâm chứ? Dù mình có cố gắng cách mấy cũng vậy thôi. Mình sẽ chẳng bao giờ đủ tốt cả.

Một khi tôi bắt đầu suy nghĩ hay nói những điều như thế, tôi biết rằng cơn trầm cảm của mình đang chuẩn bị phát tác. Một dấu hiệu khác là khi tôi tụt mood trong vài ngày và tôi nhận thấy khó có thể hoàn thành công việc hằng ngày, tôi cố gắng dừng và hồi tưởng lại, viết ra những gì có thể gây nên những suy nghĩ hay hành vi này. Tôi gọi cho một người bạn tin tưởng, nói chuyện luyên thuyên xả stress. Vì tôi biết, tránh né hoặc phủ nhận chúng chỉ càng làm cơn trầm cảm tệ hơn mà thôi.

Trong một thời gian dài, tôi không hề nghĩ rằng trầm cảm là một bệnh tâm thần, giống như một khuyết tật. Giờ nhìn lại, tôi có thể thấy được góc nhìn ấy khiến cho những triệu chứng trầm cảm tồi tệ hơn. Buồn bã, tội lỗi, và cảm giác bị cô lập bùng lên và phản ứng hoảng sợ càng lớn dần. Thông qua rất nhiều bài đọc và các cuộc trò chuyện, tôi đã bắt đầu chấp nhận rằng trầm cảm thực sự là một dạng rối loạn có thể điều trị được. Thay đổi góc nhìn đã giúp tôi phản ứng ít sợ hãi hơn khi những triệu chứng xuất hiện và tôi có thể cải thiện bằng cách tự chăm sóc bản thân

Dù cho tôi có muốn như thế nào thì trầm cảm sẽ không tự biến mất. Và chấp nhận sự hiện diện của nó làm nhẹ đi phần nào những đau đớn mà tôi đang chịu đựng. Với tôi, những triệu chứng này không tồn tại mãi mãi. Tôi đã vượt qua trầm cảm trong quá khứ và dù nghe có vẻ rất đau đớn và khó nhằn, nhưng tôi có thể vượt qua nó lần nữa. Tôi nói với bản thân mình rằng cảm nhận sợ hãi, giận dữ hay khủng hoảng không sao cả và cho phép bản thân trải nghiệm nó.

Đã có lúc, tôi lờ đi và phủ nhận những triệu chứng của trầm cảm. Tôi ép buộc bản thân phải cố hơn, gánh thêm nhiều trách nhiệm hơn. Tôi từng có rất nhiều cách chống chọi trầm cảm tiêu cực như uống rượu, mua sắm và làm việc bán mạng. Và đến một ngày tôi gục ngã, và héo mòn. Tôi đã mất hai năm để hồi phục và cân bằng lại. Và đây là lý do vì sao, hiện nay, với tôi không điều gì quan trọng hơn yêu thương chính mình. Tôi phải bắt đầu lại từ dưới đáy, bò lên từ dưới hố sâu và tái tạo lại cuộc đời của mình.

Với tôi, tự chăm sóc bản thân có nghĩa rằng trung thực về vấn đề của mình. Tôi không tự dối lừa việc mình mắc trầm cảm. Tôi trân trọng bản thân, biết mình là ai và tôi đang sống với cái gì. Tự chăm sóc bản thân có nghĩa rằng nói không với người khác khi tôi cảm thấy quá tải. Tôi dành thời gian để thư giãn, tập thể dục, sáng tạo và kết nối với mọi người. Tự chăm sóc bản thân là dùng tất cả các giác quan của tôi để làm dịu tâm trí, thể xác, và linh hồn tôi. Và tôi luyện tập những kỹ năng ứng phó hằng này, không chỉ khi tôi cảm thấy tệ hại. Đây là điều khiến cho chúng trở nên hiệu quả hơn khi cơn trầm cảm quay lại.

Những suy nghĩ tự tử là triệu chứng thường thấy của trầm cảm. Và đây là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng nhất. Khi tôi bị bệnh, nhận thức về bệnh này còn hạn chế trong xã hội. Không có hoặc rất hiếm những nguồn lực trợ giúp ngoài bệnh viện và thuốc tây. Vật lộn với nó thật không đơn giản, cũng nhiều lần u đầu, chảy máu, vài lần chấm dứt cuộc sống này mà không được. Cuối cùng, tôi nghĩ, chết không được thì sống phải đàng hoàng. Tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin để giúp đỡ mình. Chính quãng thời gian chiến đấu với con quỷ dữ đó với đủ mọi cung bậc cảm xúc nên tôi hiểu sâu sắc nỗi đau đớn của một người mắc phải căn bệnh này. Và đó là lý do tôi muốn giúp đỡ những người trầm cảm tìm lại cuộc đời của họ. Từ yêu thương chính mình, tôi biết yêu thương cả những người xa lạ với mình. Từ bao dung với chính mình, tôi biết bao dung với những người làm tổn thương tôi. Tôi biết trăn trở, đau lòng khi thấy những hoàn cảnh éo le đang chìm dần trong bóng tối trầm cảm. Chỉ cần bạn không quay lưng, chỉ cần bạn chìa tay ra, nhất định tôi sẽ không bỏ qua và để bạn lại một mình.

Lời kết: Tôi đã sống sót an toàn qua những ngày tệ hại, đen tối nhất trong đời. Cho đến giờ, tôi vẫn rất ổn. Tôi đã trở thành chuyên gia trong những trải nghiệm của mình. Phát triển nhận thức, chấp nhận, tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ được nhiều người. Hành trình này còn dài và khó khăn, nhưng tôi có niềm tin vào bản thân và vào những người bệnh, vì tôi hiểu họ chỉ có một khát khao, được sống bình yên, không lắng lo muộn phiền.

Hits: 2